Print on demand (POD) là gì? Ưu – nhược điểm và một số sản phẩm phổ biến

pod là gì

Cùng với dropshipping, Print on demand hay còn được viết tắt là POD đã trở thành những khái niệm, mô hình quen thuộc tại nhiều quốc gia trên thế giới. Tuy không còn xa lạ tại thị trường Việt Nam nhưng không phải ai cũng hiểu rõ và đúng về mô hình này. Nếu bạn đang muốn tìm hiểu thêm về thị trường thương mại điện tử hoặc bạn đang kinh doanh trong thị trường này và muốn mở rộng thêm lĩnh vực mới, thì đây có lẽ là những mô hình mà bạn cần biết.

Vậy chính xác thì Print on demand (POD) là gì? Ưu – nhược điểm của nó ra sao? Có những sản phẩm tiêu biểu nào? Bài viết dưới đây sẽ giúp giải đáp toàn bộ những thắc mắc đó của bạn và mong rằng, sau khi đọc xong bạn sẽ có thể hiểu rõ hơn về mô hình này hay thậm chí sẽ có thể đưa ra lựa chọn phù hợp cho công việc kinh doanh của bản thân.

Print on demand (POD) là gì?

pod

Print on demand (POD) dịch theo nghĩa tiếng Việt có nghĩa là in ấn theo yêu cầu, là một mô hình thương mại điện tử cho phép bạn bán những sản phẩm được cá nhân hoá bằng cách in hình theo mẫu thiết kế riêng ví dụ như quần áo, cốc, túi xách,.. Điều đặc biệt của mô hình này đó là sản phẩm sẽ chỉ được in khi đơn đặt hàng được tạo. Chính vì vậy, bạn sẽ không cần lưu trữ hay sở hữu bất kì sản phẩm nào, không sợ các vấn đề liên quan đến việc lưu kho hay tồn hàng. Thay vào đó, tất cả những gì bạn cần làm là lựa chọn và đăng ký sử dụng một nền tảng hỗ trợ bạn thực hiện toàn bộ quy trình từ in ấn đến fulfillment.

Bản chất, POD là một dạng khác của mô hình Dropshipping vì người ứng dụng POD sẽ không phải lo lắng về việc quản lý tồn kho hay vận chuyển, giao hàng. Nói một cách dễ hiểu thì Dropshipping là khi bạn kết nối với nhà cung cấp, sau đó đăng bán sản phẩm của họ và chỉ khi có khách hàng mua sản phẩm đó từ cửa hàng online của bạn thì bạn mới cần tạo đơn với nhà cung cấp để nhà cung cấp vận chuyển sản phẩm đó tới tay người mua. Nghĩa là bạn không cần sở hữu sản phẩm cũng như không cần chịu trách nhiệm vận chuyển hay quản lý, lưu trữ. POD cũng tương tự như vậy nhưng khác ở điểm bạn có thể gửi những mẫu thiết kế tự sáng tạo và chỉ chuyên biệt với mảng in ấn.

Tất cả những công đoạn này đều sẽ được bên thứ ba phụ trách và cũng giống như khi làm dropship, người bán sẽ không cần phải lo về khoản vốn bỏ ra vì họ sẽ không mất bất kì khoản chi phí nào cho tới khi có khách đặt hàng.

Sự khác biệt giữa dịch vụ fulfillment POD và sàn thương mại điện tử (TMĐT) POD

Trước khi đi vào tìm hiểu sâu hơn về cách mà mô hình POD vận hành, bạn cần phân biệt được sự khác biệt giữa dịch vụ fulfillment POD và sàn TMĐT POD.

  • Dịch vụ fulfillment POD:

Những đơn vị cung cấp dịch vụ fulfillment POD cho phép bạn kết nối với các trang thương mại điện tử thông qua nền tảng của họ và bất cứ khi nào có khách hàng đặt mua sản phẩm trong cửa hàng online của bạn, hệ thống sẽ tự động gửi đơn đó cho nhà cung cấp dịch vụ in ấn và fulfillment để hoàn tất đơn hàng cho bạn. Nói một cách dễ hiểu, nền tảng POD fulfillment sẽ tạo ra một chuỗi dịch vụ hoàn chỉnh từ việc tạo đơn, in ấn sản phẩm cho đến hoàn tất đơn hàng và việc của bạn chỉ là tạo tài khoản trên nền tảng sau đó kết nối trực tiếp với cửa hàng online của bạn là xong.

  • Sàn TMĐT POD:

Mặt khác, sàn TMĐT POD lại có thể đảm bảo cho bạn từ công đoạn chuẩn bị sản phẩm cho đến cửa hàng online đăng bán sản phẩm đó. Có nghĩa là, thay vì phải thêm một bước kết nối với trang thương mại điện tử, sàn TMĐT POD cho phép bạn dễ dàng đăng tải mẫu sản phẩm lên sàn và họ sẽ chịu trách nhiệm bán sản phẩm đó cho bạn. Nói cách khác, bạn chỉ cần đăng tải mẫu thiết kế của mình để được in vào sản phẩm tương ứng thay vì phải tự bán sản phẩm. Điều này đồng nghĩa với việc tất cả những gì bạn cần cung cấp là một trang thông tin cá nhân và mẫu thiết kế, tất cả phần còn lại sàn TMĐT POD sẽ xử lý nốt.

Lựa chọn nào hợp lý hơn? Điều này còn tuỳ thuộc vào mô hình kinh doanh mà bạn hướng đến. Nếu bạn muốn bán thiết kế với thương hiệu cá nhân và kiểm soát sản phẩm của mình thì dịch vụ fulfillment POD là một lựa chọn lý tưởng. Tuy nhiên, hãy lưu ý rằng phương án này sẽ tốn nhiều công sức hơn vì bạn sẽ phải tự mình xây dựng cửa hàng online.

Ngược lại, nếu bạn muốn có người thực hiện giúp mình toàn bộ công đoạn từ bán hàng, marketing cho cửa hàng và in ấn thì lựa chọn một sàn TMĐT POD sẽ thích hợp hơn với bạn. Với mô hình này, tất cả những gì bạn cần là đăng tải mẫu thiết kế và để sàn POD lo nốt phần còn lại. Mặc dù vậy, điểm trừ của phương án này đó là bạn sẽ không thể truy cập và lưu trữ dữ liệu khách hàng vì kênh bán hiện tại không thuộc quyền sở hữu của bạn, đó là sàn chung cho những người dùng giống như bạn nên toàn bộ dữ liệu thu thập được sẽ thuộc về sàn. Ngoài ra, do sàn cũng thực hiện nhiệm vụ bán hàng cho bạn nên bạn sẽ không thể giao tiếp với khách hàng của mình. Nói một cách dễ hiểu, nó giống như là bạn đang bán mẫu thiết kế có ghi tên tác giả cho các sàn POD vậy.

Cách vận hành của mô hình POD

 

pod process

Chắc chắn để hiểu rõ về toàn bộ quy trình khi áp dụng mô hình POD vào việc kinh doanh thì chỉ có một cách duy nhất là thực sự bắt tay vào làm. Tuy nhiên, dưới đây sẽ là một số bước cơ bản về cách vận hành việc kinh doanh với mô hình POD giúp bạn có cái nhìn tổng quan và hiểu đơn giản trước khi đưa ra quyết định lựa chọn:

1. Tạo dựng cửa hàng

Bước đầu tiên để bắt đầu quy trình đó là bạn cần xây dựng cửa hàng của riêng mình. Tuỳ thuộc vào nền tảng POD mà bạn sử dụng, bạn có thể bắt tay vào thực hiện ngay với một trong hai cách dưới đây:

  • Tích hợp một cửa hàng có sẵn:

Các đơn vị cung cấp dịch vụ POD sẽ giúp bạn kết nối với các nền tảng thương mại điện tử và cửa hàng online. Nếu bạn đã có sẵn cửa hàng online, bạn có thể tích hợp cửa hàng đó với nền tảng POD bạn sử dụng và bắt đầu kinh doanh được ngay.

  • Sử dụng dịch vụ POD có sẵn nền tảng thương mại điện tử:

Trong trường hợp bạn chưa sở hữu cửa hàng trên bất kì nền tảng mua sắm trực tuyến nào, hãy chọn cho mình một đơn vị cung cấp dịch vụ POD cho phép bạn tạo thông tin cá nhân trên nền tảng của họ và họ sẽ bán cũng như fulfill sản phẩm dưới danh nghĩa của bạn.

2. Đăng tải mẫu thiết kế và chọn dòng sản phẩm bạn muốn bán

Sau khi đã lựa chọn nền tảng POD phù hợp và sở hữu cho mình một cửa hàng online, bước tiếp theo bạn cần thực hiện đó là đăng tải những mẫu thiết kế và sản phẩm lên cửa hàng của bạn. Nếu bạn sử dụng dịch vụ POD fulfillment, việc đưa ra lựa chọn loại sản phẩm để bán hoàn toàn phụ thuộc vào bạn. Bạn có thể bán tất cả những sản phẩm nào mà mình muốn, miễn là nền tảng POD bạn sử dụng hỗ trợ sản phẩm đó.

Ví dụ, bạn định hướng cửa hàng của mình là một shop online bán áo phông vậy bạn chỉ cần chọn đúng sản phẩm áo phông đăng bán là xong. Mặt khác, nếu bạn lựa chọn những loại sản phẩm như cốc, túi vải hay thậm chí là khẩu trang thì bạn hoàn toàn có thể làm điều tương tự hoặc bán nhiều loại cùng lúc. Nói chung, vì đây là cửa hàng của bạn nên mọi thứ đều do bạn quyết định.

3. Bán sản phẩm của bạn

Ở giai đoạn này, cửa hàng của bạn đã mở cho khách hàng trên toàn thế giới và bạn đã có sản phẩm sẵn sàng để in theo mẫu. Nếu bạn đang sử dụng dịch vụ fulfillment, bạn có thể bắt đầu marketing cho sản phẩm của mình và kéo thêm traffic cho cửa hàng. Còn trong trường hợp bạn sử dụng sàn POD, sàn mà bạn lựa chọn sẽ thực hiện hầu hết các hoạt động marketing cho bạn và bạn vẫn có thể quảng bá cho cửa hàng bằng cách chia sẻ link trang thông tin trên sàn hoặc link sản phẩm của bạn cho khách hàng. Theo cách nào đi chăng nữa, mục đích cuối cùng cần đạt được vẫn là khiến mọi người tìm thấy sản phẩm của bạn và trả tiền để mua chúng.

4. Nền tảng POD hoàn tất đơn hàng

Khi có khách hàng tạo đơn trên hệ thống, dù là cửa hàng đã được kết nối với nền tảng POD fulfillment hay trên sàn POD thì hệ thống sẽ tự động in sản phẩm, đóng gói và vận chuyển tới tận tay khách hàng. Ngay khi đơn hàng được hoàn tất, bạn sẽ nhận được tiền bán sản phẩm thành công.

Ưu và nhược điểm của mô hình POD

Như bất kì mô hình kinh doanh nào, Print on demand cũng sẽ có cả ưu điểm và nhược điểm. Hãy đọc phần nội dung tiếp theo đây và đánh giá xem mô hình này có phù hợp với bạn hay không:

1. Ưu điểm:

  • Dễ dàng để bắt đầu:

Hầu hết các nền tảng POD hiện nay đều thân thiện với người dùng và dễ sử dụng. Vì vậy, bạn có thể dễ dàng khởi tạo và vận hành công việc kinh doanh chỉ bằng cách đăng ký tài khoản, tạo trang thông tin cá nhân trên nền tảng và đăng tải sản phẩm. Bạn đăng tải các mẫu thiết kế chỉ trong vài phút và không cần lo lắng về yêu cầu tính kĩ thuật.

  • Không phải lo về vấn đề tồn kho:

Mô hình Print on demand giúp giảm bớt nỗi lo lớn nhất khi tham gia thị trường thương mại điện tử, đó là chi phí lưu kho. Do sản phẩm sẽ chỉ được sản xuất và in hình sau khi được khách hàng đặt mua, vì vậy bạn sẽ không cần phải bận tâm về việc không đẩy được hàng hay chịu cảnh hàng tồn kho đội chi phí. Nói tóm lại, những rủi ro thường gặp trong quá trình kinh doanh như tồn hàng hay hết hàng sẽ không tồn tại khi lựa chọn mô hình POD.

  • Giảm công đoạn Fulfillment:

Một vấn đề nhức đầu khác nữa đối với bán lẻ đó là hoàn tất đơn hàng. Quy trình đóng gói và vận chuyển sản phẩm gồm rất nhiều công đoạn và khó để bạn có thể quản lý toàn diện, đặc biệt là đối với những nhà bán lẻ, doanh nghiệp nhỏ hay các nghệ sĩ. Nền tảng POD sẽ chịu trách nhiệm toàn bộ khía cạnh này, như vậy bạn sẽ tiết kiệm được thời gian, công sức khi không cần phải trực tiếp tìm cách để đưa sản phẩm đến được tay khách hàng cuối cùng.

  • Tự do kinh doanh theo thế mạnh của bạn thân:

Tất cả những ưu điểm được nêu ra phía trên đều góp phần để tạo ra ưu điểm lớn nhất của mô hình POD, đó là bạn sẽ có thêm nhiều thời gian hơn để tập trung vào những việc bạn muốn làm, muốn đầu tư cho công việc kinh doanh của mình. Ví dụ, thay vì mất thời gian vào việc suy nghĩ, lo lắng cho quá trình vận chuyển và đóng gói sản phẩm, bạn có thể dành thời gian đó cho những công việc khác là thế mạnh của bạn như sáng tạo, thiết kế hay xây dựng cộng đồng, marketing và tạo chiến lược kinh doanh.

2. Nhược điểm:

  • Biên lợi nhuận không cao:

Khi bạn làm việc với đơn vị cung cấp dịch vụ POD, chi phí dành cho sản phẩm sẽ cao hơn so với giá khi mua sỉ, điều này đồng nghĩa với việc lợi nhuận của bạn sẽ bị giảm đi. Điều này là vô cùng dễ hiểu nhưng thay vì phải nhập cùng lúc 1000 sản phẩm để được giá rẻ và sau đó phải tìm cách lưu kho hoặc đau đầu nếu không đẩy hết hàng, công thêm việc đem sản phẩm đó đi làm việc với xưởng in thì việc chịu giá cao khi mua lẻ sản phẩm trên các nền tảng POD để sau đó không phải lo thêm các công đoạn cồng kềnh khác thì chi phí này là không lớn.

  • Giới hạn khả năng gia tăng trải nghiệm khách hàng:

Mặc dù việc không cần tham gia vào quá trình fulfillment đem lại cho bạn rất nhiều lợi thế nhưng đồng thời nó cũng khiến bạn bị giới hạn trong khâu kiểm soát cách đóng gói sản phẩm và hình thức vận chuyển. Những nền tảng POD sẽ có quy trình fulfillment cố định và điều này sẽ khiến bạn không thể tự mình tạo ra bất ngờ cho khách hàng khi nhận được sản phẩm của bạn. Ví dụ, bạn muốn trang trí đặc biệt hơn cho bao bì sản phẩm của khách hàng thân thiết hoặc gửi kèm thêm một tấm thiệp cảm ơn trong gói hàng, bạn sẽ không làm được điều đó khi áp dụng mô hình POD.

Nếu bạn đang cố gắng để xây dựng một thương hiệu vững mạnh, có khả năng tạo ấn tượng trên tất cả các điểm chạm với khách hàng thì Print in demand không phải là lựa chọn thích hợp dành cho bạn.

  • Dữ liệu bị hạn chế:

Nếu bạn thuộc nhóm người bán cần dữ liệu thống kê từ thị trường để đưa ra những quyết định trong quá trình kinh doanh thì POD rõ ràng không phải là lối đi thích hợp dành cho bạn. Các sàn thương mại điện tử lớn thường sẽ có được nhiều dữ liệu về tần suất, tỉ lệ, đánh giá và số lượng thống kê sản phẩm, từ đó bạn có thể phân tích để đưa ra lựa chọn sản phẩm nào phù hợp để bán trong cửa hàng của bạn. Tuy nhiên, đối với những nền tảng POD thì khó có thể đưa ra những thống kê chi tiết như vậy nên cũng sẽ khó cho bạn nếu muốn đưa ra những dự đoán về sản phẩm bán cháy hay chiếm lĩnh thị trường.

  • Sản phẩm thiếu tính đa dạng:

Các chủng loại sản phẩm bạn có thể bán với mô hình POD thường bị giới hạn theo khả năng của nhà cung cấp dịch vụ. Giả dụ, nếu đơn vị cung cấp dịch vụ POD mà bạn lựa chọn chỉ có thể hỗ trợ bạn sản xuất các sản phẩm thuộc ngành thời trang như quần áo, túi xách thì rõ ràng bạn sẽ không thể đặt in những phụ kiện khác như ốp điện thoại hay bao đựng laptop ở đó được. Điều này đồng nghĩa với việc, bạn sẽ bị “dính” với quyết định ban đầu của mình mà khó có thể mở rộng kinh doanh trong những giai đoạn sau. Yếu tố này sẽ không phải là vấn đề nếu bạn bán một số loại sản phẩm phổ biến như áo phông hay cốc sứ. Tuy nhiên, POD sẽ không phù hợp với những nhà bán lẻ muốn tạo sự khác biệt hoặc lựa chọn sản phẩm thuộc thị trường ngách.

Ví dụ, nếu bạn muốn tạo sự khác biệt cho các loại sản phẩm không quá phổ biến như miếng chắn cửa sổ chẳng hạn, sẽ rất khó để bạn có thể tìm thấy một nền tảng POD nào đáp ứng được sản phẩm này. Hoặc nếu bạn muốn bán những mặt hàng thời trang độc lạ được làm từ chất liệu đặc biệt thì tương tự như vậy, bạn sẽ gặp khó khăn trong việc tìm kiếm đơn vị cung cấp dịch vụ POD có thể đáp ứng.

Những sản phẩm POD phổ biến

pod product

Sau khi đã hiểu về mô hình Print on demand cũng như cách mà nó vận hành, nếu bạn cảm thấy mô hình này phù hợp với bản thân thì dưới đây là danh sách một số sản phẩm phổ biến mà bạn có thể dễ dàng tìm kiếm, lựa chọn để bán trên các trang POD:

1. Thời trang:

  • Áo phông
  • Váy
  • Quần legging
  • Chân váy
  • Quần short
  • Áo hoodie

2. Phụ kiện:

  • Túi tote
  • Tất
  • Khẩu trang

3. Vật dụng gia đình:

  • Cốc sứ
  • Gối/vỏ gối
  • Chăn
  • Khăn tắm

4. Phụ kiện đồ công nghệ:

  • Ốp điện thoại
  • Miếng dán giữ điện thoại (popsocket)

Hi vọng rằng, bài viết trên đây đã có thể giải đáp cho bạn những thắc mắc cơ bản về mô hình Print on demand và phần nào giúp bạn có thể đưa ra được quyết định phù hợp với định hướng kinh doanh của bản thân.

Bài viết mới nhất

Bạn có 15 ngày sử dụng miễn phí khi đăng ký Omisell và hoàn tiền bất kỳ lúc nào bạn muốn.