TikTok là một nền tảng truyền thông xã hội video ngắn do ByteDance tạo ra vào năm 2017. Ngày 28/2/2022, TikTok chính thức ra mắt TikTok Shop – giải pháp thương mại điện tử tại Việt Nam. TikTok Shop là một giải pháp toàn diện dành cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Chưa đầy một năm ra mắt, TikTok Shop đã vượt qua Sendo, Tiki vươn lên vị trí thứ ba trong thị trường thương mại điện tử và trở thành đối thủ mạnh mà các “ông lớn” như Shopee, Lazada cũng phải dè chừng.
1. TikTok Shop bùng nổ như thế nào trong năm 2022
1.1. Tổng quan chung về thị trường thương mại điện tử 2022
Theo báo cáo của Metric về 4 sàn thương mại điện tử Shopee, Lazada, Tiki và Sendo thì doanh thu thương mại điện tử chủ yếu tập trung vào những tháng cuối của năm 2021. Nhưng trong năm 2022, doanh thu các sàn này không có sự chênh lệch nhiều giữa các tháng. Theo đó, doanh thu Shopee cao nhất và chiếm tới 73% tổng doanh thu của 4 sàn, tính đến giữa tháng 12 đạt 91 ngàn tỷ đồng. Doanh thu Lazada đứng thứ 2 đạt 26,5 ngàn tỷ và chiếm 20%. Tiki và Sendo lần lượt đứng thứ 3 và thứ 4.
1.2. TikTok Shop xâm chiếm thị trường thương mại điện tử 2022
Đến thời điểm hiện tại, mặc dù TikTok Shop chưa ra mắt được một năm nhưng TikTok Shop đã có những bước tiến dài và nhanh, vượt qua Sendo và Tiki, trở thành nền tảng xếp thứ 3 trong thị trường thương mại điện tử tại Việt Nam.
Trong tháng 11/2022, tính từ 1/1/2022 – 30/11/2022, doanh thu trên TikTok Shop đạt 1698 tỷ đồng (đứng thứ 3 chỉ sau Shopee và Lazada), 13 triệu sản phẩm được bán ra và 32 nghìn nhà bán đã phát sinh đơn hàng.
Báo cáo của Metric cho thấy mức doanh thu của TikTok Shop trong tháng 11/2022 gấp hơn 4 lần doanh thu của Tiki và tương đương 80% doanh thu của Lazada. TikTok Shop cũng đạt được những con số vô cùng ấn tượng mà những sàn thương mại điện tử khác phải mất nhiều năm mới xây dựng được. Trung bình mỗi ngày TikTok Shop đạt mức doanh thu 56,6 tỷ đồng và 434.000 sản phẩm được bán ra với giá trị trung bình mỗi sản phẩm là 130.000 đồng.
2. Lý do đưa TikTok Shop trở thành đối thủ đáng gờm của các “ông lớn”
2.1. TikTok Shop thừa kế lượng người dùng khổng lồ từ TikTok
TikTok chỉ mất 3 năm kể từ 2017 để đạt được con số là 800 triệu người dùng và trở thành ứng dụng được tải nhiều nhất vào năm 2022 (672 triệu lượt tải xuống).
Theo báo cáo của SproutSocial, TikTok có hơn 1 tỷ lượt người dùng hoạt động hàng tháng và tại Việt Nam thì con số đó hiện tại là 13 triệu người dùng mỗi tháng. 29% số người truy cập và xem nội dung video hàng ngày. TikTok cũng ngày càng phổ biến với giới trẻ, không chỉ với GenZ mà còn cả với Gen Alpha. Trẻ em dành thời gian nhiều hơn 62% (khoảng 23 phút mỗi ngày) để xem video trên TikTok so với Youtube.
2.2. TikTok Shop dẫn đầu về mô hình Shoppertainment
TikTok Shop theo đuổi mô hình Shoppertainment, là sự kết hợp giữa Shopping (mua sắm) và Entertainment (giải trí).
TikTok giải quyết cả hai vấn đề của khách hàng là giải trí và tìm kiếm thông tin về sản phẩm mà họ quan tâm. Với hệ thống đề xuất nội dung và sản phẩm theo sở thích của khách hàng, các nhà bán hàng cũng dễ dàng tiếp cận những khách hàng tiềm năng thông qua yếu tố giải trí, khả năng tương tác cao trong các nội dung giới thiệu và tạo nhu cầu về sản phẩm. Các nhà sáng tạo nội dung cũng đóng vai trò quan trọng khi họ là những người kết nối các doanh nghiệp với khách hàng.
Theo Nghiên cứu Khoa học tiếp thị TikTok về lộ trình mua hàng bán lẻ toàn cầu năm 2021 do Material thực hiện: 4/10 người dùng đã chi tiền cho những sản phẩm họ khám phá được trên TikTok, tốc độ họ đưa ra quyết định mua hàng cũng nhanh hơn 1,5 lần so với các nền tảng khác.
2.3. Livestream đã trở thành công cụ chính cho nhà bán hàng trên TikTok Shop
Livestream thật sự trở thành xu hướng và thật sự bùng nổ vào năm 2022. TikTok Shop cũng không ngoại lệ, nó được ra đời khi xu hướng bán hàng qua livestream đang thịnh hành trên các trang thương mại điện tử, TikTok Shop đã bắt kịp xu hướng và phát triển nhanh chóng.
Livestream thật sự có nhiều ưu điểm hơn bán hàng thương mại điện tử thông thường khi nhu cầu về real-time content (nội dung thời gian thực) ngày càng quan trọng. Khách hàng không chỉ cảm nhận rõ hơn về sản phẩm mà còn có thể tương tác trực tiếp với người bán và nhận được phản hồi ngay lập tức.
2.4. Khách hàng có được trải nghiệm liền mạch trên TikTok Shop
Bắt nguồn từ nền tảng phát video ngắn, khách hàng có thể tự do vừa giải trí vừa mua sắm. TikTok Shop cho phép nhà bán hàng tạo liên kết sản phẩm và đặt trực tiếp trên video hay giỏ hàng trong livestream và cả trong trang cá nhân của họ. TikTok Shop cũng theo dõi quá trình bán hàng và đưa ra các chỉ số bán hàng cho doanh nghiệp. Điều này đặc biệt quan trọng vì nhà bán hàng có thể theo dõi các chỉ số bán hàng của doanh nghiệp mình, xác định các vấn đề trong bán hàng và đưa ra những giải pháp phù hợp để giải quyết chúng một cách kịp thời.
Còn với khách hàng, họ sẽ được trải nghiệm mua sắm liền mạch, từ giải trí đến tìm kiếm thông tin, đặt hàng, thanh toán, theo dõi vận chuyển, tương tác với nhà bán hàng và những khách hàng khác trên cùng một ứng dụng mà không bị ngắt quãng. Các thao tác mua sắm cũng hết sức dễ dàng và nhanh chóng.
Có thể nói rằng: Mặc dù vẫn cách Shopee khá xa về mặt doanh thu nhưng với tốc độ phát triển của TikTok Shop hiện nay thì bất kỳ doanh nghiệp nào cũng phải dè chừng trước nguy cơ đánh mất thị phần vào tay TikTok Shop.
Nguồn: Sprout social và BRANDS VIETNAM.
Có thể bạn quan tâm: Tích hợp công nghệ vào chiến lược O2O: case study từ Amazon