Facebook có thể trang bị gì cho người bán hàng online
Vào ngày 19.5, Mark Zuckerberg chính thức thông báo về việc ra mắt tính năng Facebook Shop trên mạng xã hội Facebook với mục đích hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể bán hàng miễn phí, dễ dàng hơn trên nền tảng này.
Cửa hàng độc lập
Không chỉ là một chức năng nhỏ trên trang Facebook, Facebook Shop là một tab tách biệt cạnh Newsfeed, Watch và Marketplace. Cửa hàng cũng sẽ được tích hợp với mạng xã hội hình ảnh Instagram do Facebook sở hữu.
Facebook Shop có chức năng giống như bất cứ một website hay nền tảng TMĐT nào. Người bán có thể cập nhật sản phẩm và dịch vụ của họ, cài đặt quảng cáo và bán hàng thẳng trên Facebook và Instagram. Tính năng này cũng đi kèm với các chức năng chuyên biệt của TMĐT như mô tả chi tiết, thêm sản phẩm vào giỏ hàng hoặc thanh toán ngay lập tức thông qua nền tảng này hoặc các trang web của thương hiệu. Các doanh nghiệp có thể tùy chỉnh giao diện cửa hàng của họ với các sản phẩm nổi bật, ảnh bìa và tông màu phù hợp với thương hiệu của họ. Ngược lại, người dùng Facebook có thể thuận tiện tìm kiếm các thương hiệu hoặc sản phẩm yêu thích của họ để mua ngay trên nền tảng.
Mùa hè này, Instagram Shop sẽ được ra mắt tại thị trường Mỹ. Tính năng này được cho là một cách tìm hiểu sản phẩm có tính đột phá hơn hẳn so với Instagram Explore – một tính năng không hoàn toàn thiên về điều hướng mua sắm.
Dễ dàng giao tiếp và chăm sóc khách hàng
Việc giữ mối quan hệ với khách hàng trở nên dễ dàng hơn với Facebook Shop khi được tích hợp với Messenger, WhatsApp và Instagram. Rất tiếc là hiện tại tính năng này mới chỉ được hoạt động tại Mỹ trước khi mở rộng ra toàn cầu.
Mọi người đã quen với cách mua sắm truyền thống trên Facebook: Họ thấy một cái gì đó họ thích trên trang Facebook của thương hiệu, sau đó họ nhắn tin để đặt mua. Với Facebook Shop, khách hàng ghé thăm Shop có thể đặt mua ngay lập tức. Vì thế, mục đích chính của trang fanpage sẽ được chuyển sang là kênh thông tin thay vì điểm mua hàng.
Tính năng nâng cao
Facebook Shop còn có tính năng mới là Live Shopping (Mua sắm trực tiếp), các thương hiệu có thể gắn thẻ sản phẩm trực tiếp từ Facebook Shop khi livestream để người xem nhấp vào và xem thêm chi tiết sản phẩm. Đặc biệt công nghệ AR sẽ cho phép họ thử một số sản phẩm như quần áo, phụ kiện, son môi. Sau đó, khách hàng có thể trao đổi, đặt mua và thanh toán ngay trên Facebook Shop. Tính năng này đang được thử nghiệm và phát triển trong vài tháng tới. Tiến tới sau này, tính năng Facebook Story cũng sẽ cho phép gắn thẻ sản phẩm.
Facebook tiến thêm một bước bằng cách sử dụng công nghệ AI và AR để giới thiệu sản phẩm thu hút nhất đối với khách truy cập cửa hàng. Ví dụ: bạn sẽ có thể tùy chỉnh các sản phẩm phù hợp với từng tập khách hàng nhất định.
Các chương trình khách hàng thân thiết hiện tại cũng sẽ được tích hợp sẵn giữa thương hiệu và tài khoản Facebook của khách hàng. Người bán có thể tạo và quản lý chương trình của họ dễ dàng, và khách hàng cũng có thể theo dõi những giao dịch và phần thưởng của mình.
Đối tác TMĐT
Facebook đang hợp tác chặt chẽ với các đối tác như Shopify, BigCommerce, WooCommerce, ChannelAdvisor, CedCommerce, Cafe24, Tienda Nube và Feedonomics. Đây đều là những tên tuổi lớn trong ngành thương mại điện tử, các tổ chức này có thể cung cấp cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ các công cụ và dịch vụ mà họ cần để khởi động việc kinh doanh từ offline sang online.
Một trong các đối tác – Shopify tuyên bố rằng người bán có thể kiểm soát giao diện cửa hàng online của họ với Facebook Shop, trong khi đơn hàng và quản lý hàng tồn kho có thể được thực thi trực tiếp từ bên trong Shopify.
Cách Facebook Shop có thể đánh bại các nền tảng TMĐT
Đại dịch Covid-19 mang lại cho TMĐT sự thúc đẩy cần thiết để phát triển mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Quá phụ thuộc vào cách bán hàng trực tiếp truyền thống, nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ đã phải ngừng hoạt động do cuộc khủng hoảng đại dịch Corona. Một cách để tồn tại trong giai đoạn này là chuyển sang bán hàng online.
Khách hàng tiềm năng
Điều quan trọng nhất mà Facebook có thể thu hút những người bán hàng là số lượng người dùng của họ. Tính đến cuối tháng 3 năm 2020, Facebook có 1.7 tỷ người dùng truy cập hàng ngày và 2.6 tỷ người dùng truy cập hàng tháng. Nếu chúng ta tính cả các ứng dụng trong đại gia đình của Facebook bao gồm Messenger, WhatsApp và Instagram, thì các con số lần lượt là 2,4 tỷ và 3 tỷ.
Một người dùng trung bình dành 38 phút mỗi ngày cho Facebook, con số này có khả năng tăng lên trong thời kì dịch bệnh Corona. Nhiều người sử dụng Facebook như một nền tảng tìm kiếm các gợi ý về thực phẩm, quần áo, mỹ phẩm, du lịch, v.v.. Một quy tắc bất thành văn là các thương hiệu phải có tài khoản trên mạng xã hội để tiếp cận khách hàng mới, và Facebook là sự lựa chọn phổ biến nhất.
So với các nền tảng TMĐT, Facebook thiếu hụt về phương thức thanh toán và hậu cần logistics. Tuy nhiên, Facebook Shop có thể giải quyết vấn đề này bằng cách để người bán tự quyết định. Các yếu tố chính giúp một nền tảng TMĐT thành công là khách hàng và thương hiệu – Facebook đã nắm sẵn trong tay
Trải nghiệm 1 ứng dụng
Một trong những lý do mà bán hàng trên mạng xã hội vẫn rất phổ biến cho dù các nền tảng thương mại điện tử quảng cáo vô cùng rầm rộ chính là sự tiện lợi. Trong khi lướt xem tin tức từ bảng tin trên Facebook, mọi người thường nhận được đề xuất sản phẩm mà họ có thể nhắn tin để mua ngay lập tức mà không làm gián đoạn toàn bộ trải nghiệm. Với Facebook Shop, bước nhắn tin có thể bị xóa bỏ, tạo ra một trải nghiệm thậm chí còn liền mạch hơn.
Đây cũng là một tin vui cho các nhà quảng cáo vì việc mua hàng ngay trong ứng dụng sẽ giảm tỷ lệ thoát trang và tối ưu hóa chi phí quảng cáo một cách đáng kể.
Trí tuệ nhân tạo và Big Data
Có thể Facebook hiểu chúng ta hơn cả chính bản thân, bằng cách theo dõi mọi tương tác của chúng ta trên các phương tiện mạng xã hội. Thông qua thuật toán AI và Big Data, Facebook có thể hiển thị các sản phẩm mà chúng ta quan tâm, và khả năng cao là bạn sẽ cắn câu đấy!