Bạn có nhớ thời thơ ấu chúng ta thường sưu tầm những sticker từ kẹo cao su để dán lên hộp bút, vở và bàn học? Sticker hay còn được gọi là nhãn dán vẫn đang phát triển mạnh mẽ và trở thành một ý tưởng tốt để bắt đầu một công việc kinh doanh nhỏ.
Không giống với sự khan hiếm như trước kia, giờ đây bất kỳ ai cũng có thể mua sticker từ những gian hàng online, offline. Những mẫu sticker hiện nay cũng vô cùng đa dạng, độc đáo với đủ thể loại và style khác nhau. Dù dán ở laptop, ốp điện thoại, sổ tay,… có rất nhiều cách để sử dụng sticker trang trí các đồ vật của bạn.
So với các loại hình kinh doanh khác, bán sticker là một cách tương đối hợp lý và dễ dàng để bắt đầu kinh doanh. Trong bài viết dưới đây của Omisell, chúng ta sẽ xem xét lý do tại sao lại cân nhắc việc kinh doanh sticker, thiết kế và in ấn sticker như thế nào? Chúng ta hãy cùng tham khảo case study từ những người đã rất thành công với cửa hàng sticker của riêng họ.
Tại sao lại kinh doanh sticker?
Sticker kích thích sự sáng tạo vô tận của chúng ta, bất kể hình ảnh nào hay 1 ký tự, chữ viết đều có thể chuyển thành sticker 2D hoặc 3D tuỳ ý. Theo eRank, chuyên theo dõi và phân tích các mặt hàng thịnh hành trên Etsy, sticker là sản phẩm được tìm kiếm nhiều thứ 11 trên thị trường vào tháng 9/2021.
Sticker được sử dụng để thể hiện sở thích, cá tính khác nhau, vì vậy bạn nhất định sẽ tìm được tập khách hàng phù hợp với phong cách sticker mà bạn sẽ thiết kế. Nếu như có một gu nhất định thì việc tạo ra sản phẩm sticker mang dấu ấn riêng là vô cùng đơn giản.
Ilona Lin là chủ sở hữu của Milkteanco, một shop chuyên bán sticker theo phong cách kawaii với vô số các hình dán đáng yêu nhiều chủ đề khác nhau. Ilona chia sẻ cô bắt đầu công việc kinh doanh sticker trong thời gian đại dịch Covid đang diễn biến phức tạp, khi tất cả mọi người đều đang loay hoay kiếm sống và giữ an toàn. “Tôi đã xem rất nhiều video và câu chuyện đầy cảm hứng về những người tự khởi nghiệp kinh doanh tại nhà và điều đó khiến tôi cảm thấy hào hứng khi giờ đây tôi có đủ thời gian và niềm đam mê với công việc đó”.
Làm thế nào để kinh doanh sticker
Phần khó nhất khi bắt đầu kinh doanh sticker là quyết định chính xác phong cách sticker của bạn sẽ trông như thế nào. Thử thách đầu tiên của bạn là xây dựng thương hiệu và phong cách của cửa hàng là gì, sau đó tối ưu và bán hàng.
Tìm thị trường ngách và nguồn cảm hứng
Với rất nhiều sticker trên mạng và nguồn cảm hứng từ các shop khác, bạn cần khám phá khả năng thẩm mỹ và phong cách độc đáo của riêng mình.
Ilona đã lấy cảm hứng từ chú mèo của cô, Milkie, và tại ra một phiên bản hoạt hình dễ thương của chú mà cô đã làm lại thành các thiết kế khác nhau.
Christine Lee là chủ sở hữu của Created by Christine. Cô ấy đã chọn những sticker đầy những câu trích dẫn và truyền năng lượng tích cực thông qua các sản phẩm của mình. Cô ấy cũng lấy những ý tưởng từ công việc hàng ngày của mình với tư cách là một giáo viên và làm các sticker cho đồng nghiệp của mình.
Christine chia sẻ, “Tính tích cực là một điều quan trọng đối với tôi và nó giống như điểm trọng tâm trong lớp học của mình, vì vậy tôi luôn tìm kiếm và hướng đến những câu trích dẫn truyền cảm hứng một cách tích cực”.
Ví dụ:
- Sở thích của bạn
- Phong cách nghệ thuật yêu thích
- Cộng đồng mà bạn tham gia
- Những điều truyền cảm hứng cho bạn
- Thông điệp hoặc biểu tượng thể hiện tính cách
Nên xem xét từ ngách nhỏ và mở rộng thị trường vì nếu ngách quá nhỏ thì sẽ chỉ có một nhóm nhỏ khách hàng muốn mua sticker của bạn.
Bạn cũng có thể tham khảo và lấy ý tưởng từ những cửa hàng khác cùng ngách, tuy nhiên tuyệt đối không được “sao chép 100%” từ tác phẩm của người khác. Có tác phẩm độc đáo sẽ giúp cửa hàng của bạn nổi bật và thu hút khách hàng.
Cách tạo ra sản phẩm sticker
Cách thức mà cả Ilona và Christine sử dụng chỉ cần một chiếc iPad và ứng dụng Procreate, một app được thiết kế dành riêng cho máy tính bảng. Một chiếc Apple Pencil sẽ cho phép bạn thoả sức tô, vẽ màu và tạo bất kỳ sản phẩm nào nảy ra trong đầu.
Procreate là một lựa chọn phổ biến, nhưng bất kỳ ứng dụng về đồ hoạ như Adobe Photoshop hoặc Illustrator,… đều có thể sử dụng để tạo ra sticker.
Điều quan trọng nhất mà bạn cần chú ý là kích thước in ấn cuối cùng (tối thiểu là 300 dpi – chấm trên inch) và được lưu dưới dạng tệp CMYK để đảm bảo sản phẩm cuối cùng có chất lượng và màu sắc giống như thiết kế của bạn.
Cách định giá sticker để bán
Sticker thông thường được bán với giá dao động từ 20k – 100k (bán theo số lượng hình dán hoặc theo tấm với nhiều hình). Sticker theo một chủ đề cụ thể (hot) thì có thể được bán với giá cao hơn. Nếu bạn gặp khó khăn trong việc định giá thì có thể tham khảo các cửa hàng tương tự để so sánh và có ý tưởng về cách đặt giá bán cho sản phẩm của mình.
Bạn cần tính toán đến chi phí nguyên vật liệu, nhân công, đóng gói,… Ngoài ra hãy xem xét về kinh nghiệm và khả năng về thẩm mỹ. Christine chia sẻ: “Tôi đã lập một bảng tính tổng thể về mọi thứ, chẳng hạn như tất cả chi phí nguyên vật liệu, và cũng đảm bảo công sức và thời gian của mình được trả thù lao xứng đáng”.
Kênh bán sticker phù hợp
Khi đã sẵn sàng về nguồn hàng, thiết kế cho sticker thì các bạn cần chọn kênh bán phù hợp. Website riêng của bạn, mạng xã hội hay sàn TMĐT đều là những kênh bán phổ biến cho việc kinh doanh bán sticker.
Xây dựng trang web
Việc xây dựng trang web thương mại điện tử của riêng bạn cho phép bạn kiểm soát toàn bộ quy trình — bao gồm thiết kế, miền, tiếp thị cũng như chạy bán hàng và khuyến mại. Nó cho phép bạn thực sự xây dựng thương hiệu của mình ngay từ đầu và đưa ra tất cả các quyết định về cách khách hàng tương tác với cửa hàng của bạn.
Tuỳ các nền tảng xây dựng website, bạn có thể trả phí để tạo một trang bán hàng sticker của mình như Shopify, OmiSocial,…
Cả Shopify và OmiSocial đều có điểm chung là có thể xây dựng một cửa hàng độc lập của riêng mình với tên miền riêng mà bạn có thể tùy chỉnh và quản lý theo cách phù hợp.
Thách thức lớn nhất khi bán hàng sticker trên website là hoạt động marketing sản phẩm. Bạn có thể sử dụng mạng xã hội, làm việc với KOL hoặc bằng những công cụ khác như SMS hoặc email. Gợi ý mạng xã hội phù hợp để làm marketing cho sản phẩm này chính là Instagram, bạn vừa có thể bán hàng và marketing tại Instagram và vừa thu được lợi nhuận nếu gắn link website cửa hàng tại đây!
Bán hàng trên sàn TMĐT
Ở Việt Nam, Shopee, Lazada, Tiki,… là những sàn TMĐT quen thuộc cho những người kinh doanh online bất kể là mới bắt đầu hay bán hàng lâu năm. Đặc biệt là những sản phẩm giá rẻ như sticker thì càng nên bán trên sàn TMĐT.
Tại đây bạn sẽ tận dụng được lượng traffic lớn từ sàn. Việc bạn cần làm là thiết kế gian hàng Shopee thật đẹp, marketing hiệu quả. Mọi công đoạn khác như vận chuyển, thu hộ đều có sàn lo.
Print-on-Demand (POD)
Các trang web như Redbubble hoặc Society6 cho phép bạn tải lên sản phẩm của mình và khi khách hàng mua hàng thì trang web sẽ in và giao sản phẩm đó cho bạn.
Đó là một cách đơn giản để bán các thiết kế sticker của bạn mà không cần lo lắng về việc điều hành doanh nghiệp, tiếp thị hoặc giao dịch với khách hàng.
Tất nhiên, nhược điểm là bạn có rất ít quyền kiểm soát quy trình và không thực sự tự mình tạo ra thành phẩm. Điều này có ý nghĩa nếu bạn đang tìm kiếm một công việc đơn giản tạo ra thu nhập thụ động, nhưng tiềm năng lợi nhuận cũng thấp hơn. Vì trang web đảm nhận hầu hết quy trình, nên lợi nhuận của bạn sẽ chỉ là một phần nhỏ so với giá ưu đãi và vì sticker thường không đắt nên lợi nhuận mỗi lần bán của bạn có thể cũng sẽ thấp.
Nhưng mặt khác, các trang web này cho phép bạn đặt thiết kế của mình trên một số sản phẩm mẫu, bao gồm tranh in nghệ thuật, cốc, áo thun và vỏ điện thoại mà bạn không cần phải tự mình tìm nguồn sản phẩm này.
Bây giờ, bạn đã biết được những điều cơ bản để đưa cửa hàng sticker của bạn từ một ý tưởng thành một công việc kinh doanh thực tế. Sticker có thể là một sản phẩm nhỏ, nhưng các chủ cửa hàng biết rằng vẫn cần nhiều thời gian và công sức để kinh doanh thành công.
Đó là một công việc kinh doanh tuyệt vời nếu bạn muốn bắt đầu với quy mô nhỏ và phát triển, thêm các thiết kế mới và tinh chỉnh nghệ thuật của bạn trong khi xây dựng khách hàng trung thành.